Ớt chưng là một loại sốt của người Hoa, được chế biến từ ớt tươi, dầu ăn, gia vị, hành, tỏi,… Dùng để ăn kèm với các món chính như bún, mì, bánh bao, hoành thánh, …
Sẽ khá lạ khi gọi ớt chưng nhưng sa tế ớt, sốt tương ớt thì quen thuộc hơn với người Việt Nam chúng ta phải không nào.
Bài viết này, mình không nói về cách làm ớt chưng mà sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về một người phụ nữ bán ớt chưng và trở thành tỉ phú.
Nội dung chính:
Tỉ phú ớt chưng Đào Hoa Bích
Trước tiên, mời bạn xem qua một số điều thú vị về bà:
- Tuổi thơ mù chữ, chồng mất khi vừa đôi mươi.
- Sở hữu hãng sản xuất loại ớt chưng phổ biến nhất Trung Quốc.
- Tài sản ước tính hơn 1.05 tỉ USD (hơn 25 ngàn tỉ đồng).
- Ở đất nước tỉ dân, hầu như nhà nào cũng có một đến vài lọ ớt chưng của bà.
- Ví như nữ hoàng của “vương quốc đỏ” với những cánh đồng ớt và nhà máy.
- Người phụ nữ cay nhất Trung Quốc.
- Một trong những đại diện cho “giấc mơ Trung Hoa”…
“Nếu không mạnh mẽ tôi đã chết đói”
Đó là tiêu đề của một quyển sách viết về cuộc đời Đào Bích Hoa.
Đào Hoa Bích (Tao Huabi) sinh năm 1947, là con thứ 8 trong một gia đình nghèo ở miền núi Quý Châu. Nơi được mệnh danh là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nổi tiếng với câu nói:
“Đất không có nổi 3 tấc bằng phẳng, mưa không rơi nổi trong 3 ngày, các gia đình không nhà nào có nổi 3 đồng bạc.”
Bà đã trả qua tuổi thơ đầy cơ cực, từng phải đi nhặt củi, làm việc đồng án, từng phải ăn rễ cây để chống đói những năm 1959 – 1961. Không được đi học, ngoài tên mình bà không thể đọc viết chữ nào khác.
Năm 20 tuổi bà kết hôn, chồng bà là một nhân viên kế toán. Hai người có với nhau 2 cậu con trai. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, chồng bà chẩn đoán mắc bệnh gan hiểm nghèo vài năm sau đó.
Gánh nặng gia đình đặt hết lên vai người phụ nữ chỉ ngoài đôi mươi. Bà phải bươn chải, làm lụng đủ nghề để có tiền nuôi con và chữa bệnh cho chồng.
Công việc với đồng lương ít ỏi lại không ổn định, bà quyết định rời quê lên thành phố tìm việc. Bà xin vào làm công nhân ở một nhà máy tại thành phố Quảng Châu.
Hằng ngày, để tiết kiệm chi phí, bà thường mang theo hủ ớt chưng tự làm để ăn cùng với bánh hấp, cơm trắng, mì tươi. Không ít lần bà nhận được lời khen từ đồng nghiệp khi chia sẻ món ớt chưng cho họ.
Lên thành phố không được bao lâu, bà đành trở về Quý Châu khi nghe tin chồng mất.
Người đàn bà góa phụ ấy đã khổ nay càng cực hơn. Để tiện chăm sóc các con, bà bán đậu phụ, bán rau trên vỉa hè gần nhà từ sáng đến tối mịt.
Nhiều năm trôi qua, một lần khi ghé thăm tiệm mì của người quen, bà có góp ý về hương vị của sốt ớt ăn kèm. Sau khi cho ông chủ lời khuyên và cách cải thiện, bà được nhận ngay vào làm.
Kinh nghiệm có được khi làm ở quán mì đã giúp bà nhen nhóm ý tưởng kinh doanh của mình.
“Bán một hương vị”
Năm 1989, với số tiền tích góp, bà quyết định chuyển tới thành phố Quý Dương mở một quán mì nhỏ để kinh doanh.
Quán chỉ vỏn vẹn 10 m2, phục vụ các món mì đơn giản ăn cùng với loại nước sốt ớt do bà tự làm.
Thật ngạc nhiên, khi quán mì của bà được người dân và sinh viên thường xuyên lui tới không phải vì mì mà vì loại sốt ớt chưng “thần thánh”.
Một ngày nọ, thực khách vào quán hầu hết đều ra về khi phát hiện không có sốt ớt chưng. Nhờ thế bà càng nhận ra tầm quan trọng của nó nên âm thầm cải thiện hương vị để thu hút thêm khách hàng.
Từ đó, việc kinh doanh thuận lợi hơn. Bà còn làm riêng các lọ ớt chưng để bán cho thực khách và cả những quán mì trong vùng.
Loại ớt chưng của bà Đào nhanh chóng nổi tiếng khắp các vùng lân cận.
Những năm 1990, nhà nước mở đường cao tốc chạy ngang trước quán, tài xế qua lại thường xuyên. Nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình ra khỏi Quý Châu, không ngần ngại, bà thường xuyên biếu tặng ớt chưng cho tài xế…
… nhờ đó, sản phẩm của bà lan truyền khắp Vân Nam và cả Trung Quốc.
Cuối năm 1994, ngưng bán mì, bà mở một cửa hàng đặc sản với sản phẩm chính là ớt chưng, mở ra một bước ngoặc lớn trong sự nghiệp kinh doanh của bà.
Ớt chưng quốc dân
Năm 1996, lúc 49 tuổi, bà thành lập công ty thực phẩm Lao Gan Ma.
Lúc đầu, chỉ có hơn 40 công nhân, nhà xưởng chỉ là một căn nhà thuê lại của chính quyền địa phương, không có máy móc, công việc chỉ làm bằng bay. Cả nhãn hiệu bao bì cũng do con trai bà thiết kế.
Nhãn hiệu in ảnh bà, mặc tạp dề trắng với đôi mặt thể hiện sự kiên định đầy nghiêm nghị.
Năm 1997, công ty chính thức đi vào hoạt động. Dù không được học hành, như nhờ khả năng thiên phú, bà đã xây dựng một Laoganm không ngừng phát triển.
Sau đó, bà mở nhà máy ở Nam Ninh, nơi được mô tả như một “vương quốc ớt chưng”, nằm trên sườn đồi ở ngoại ô Đông nam thành phố Quý Dương, cạnh đường cao tốc, nơi chỉ có con đường rộng vài mét cho người và xe chở dầu ớt ra vào.
Tường vây quanh nhà máy xây bằng gạch trắng, không khí xung quanh tràn ngập mùi ớt. Mùa hè, khi gió đông nam thổi qua, mùi ớt chưng có thể lan tới trung tâm thành phố Quý Dương cách đó 10km.
Bên trong có hơn 4.000 công nhân làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày. Họ được công ty lo ăn ở và trả lương cao hơn 500 tệ so với mức trung bình ở địa phương.
Đưa ớt chưng vượt đại dương
Năm 2015, tỷ phú Đào Hoa Bích được vinh danh trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính 1.05 tỷ USD.
Năm 2016, Bloomberg ghi nhận công ty của bà đã giúp tỉnh nghèo Quý Châu đạt mức tăng trưởng 10.5%, vượt xa tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc là 6.7%.
Đế chế ớt chưng dầu của bà đã vươn ra quốc tế, sản phẩm bán chạy tại Mỹ, châu Âu và châu Phi. Trên trang web, công ty cho biết mỗi ngày sản xuất 1.3 triệu lọ ớt chưng.
Vào năm 2021, trong thời gian diễn ra đại dịch, theo thống kê của nhà bán lẻ trực tuyến Sous Chef, doanh số bán hàng của Lao Gan Ma đã tăng 1,900%.
Đến nay, Lao Gan Ma vẫn là thương hiệu ớt chưng lớn nhất Trung Quốc với hơn 20 loại gia vị khác nhau.
“Mẹ đỡ đầu” giàu lòng nhân ái
Dù là lãnh đạo một doanh nghiệp đầu ngành nhưng hiếm khi thấy bà xuất hiện trước công chúng.
Bà sống trong nhà máy, văn phòng làm việc dẫn thẳng tới phòng ngủ của bà.
Bà thuộc típ người “cực kỳ quan tâm đến công việc”. Không bao giờ để công việc tồn đọng sang ngày hôm sau, dù thức khuya thế nào vẫn dậy đúng 7h sáng mỗi ngày.
Thói quen ăn uống của bà cũng rất đơn giản, ít thịt cá, ăn nhiều rau, luôn kèm ớt và không bao giờ bỏ thừa thức ăn.
Bà có trí nhớ rất tốt, nhớ được tên và sinh nhật của nhiều công nhân, cũng có khả năng đọc thuộc lòng chính xác sau khi nghe nhiều lần.
Chỉ cần ngửi, bà có thể biết được ớt chất lượng tốt hay xấu, thậm chí có khả năng làm ra loại ớt chưng tương tự sau khi nếm sản phẩm của đối thủ.
Tính cách của bà cũng nóng nảy và thẳng thắn như ớt. Một công nhân lâu năm kể, bà thường mắng nhân viên khi tức giận, nhưng luôn yêu quý và đối xử với họ như người nhà.
Có lần, mẹ của một nhân viên bảo vệ mắc bệnh hiểm nghèo phải chạy thận, bà lập tức đưa tiền và nói “đừng lo về chi phí, tôi sẽ lo tiền chữa bệnh tới khi mẹ anh khỏe lại”.
Bà theo đuổi triết lý kinh doanh đơn thuần, từ chối đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng vốn, vay mượn hay quảng cáo.
Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, Lao Gan Ma luôn tuân thủ nguyên tắc “Không nợ ai một xu cũng không ai được nợ một xu”.
Một số người thuyết phục mở rộng đầu tư sang bất động sản và ngành nghề khác, nhưng bà thường bảo, đời bà chỉ cần làm tốt một việc, đó là làm ra loại ớt chưng ngon.
Bà mong muốn giúp hàng nghìn công nhân có việc làm, đồng thời tạo thu nhập cho hàng vạn nông dân trồng ớt tại địa phương. Và không bao giờ rời bỏ Quý Châu dù không ít nơi mời gọi.
Vì những đóng góp trên, bà được mọi người gọi là “Phép màu của Quý Châu”.
Bà Đào còn là một đảng viên, một nhà hoạt động chính trị và được coi là một doanh nhân yêu nước.
Ngoài những danh xưng ngợi ca, người Trung Quốc thường đùa rằng, khi một người đàn ông lấy vợ anh ta sẽ lấy hai người đàn bà, một người là vị hôn thê, người kia là Đào Hoa Bích.
Xem thêm: