Chắc bạn từng nghe về nhà kính sấy nông sản hay máy sấy năng lượng mặt trời. Còn phương pháp phơi ớt trong nhà kính, không biết bạn nghe chưa?
Vài năm trở lại đây, kỹ thuật phơi (sấy) này được áp dụng nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nhiều hơn qua bài viết bên dưới.
Nội dung chính:
Các loại nhà kính phơi sấy ớt
Nhà kính phơi sấy ớt là phương pháp sử dụng không gian kín được phủ bằng vật liệu thu nhiệt và ánh sáng để tận dụng hiệu ứng nhà kính giúp khô ớt nhanh hơn, rút ngắn hơn 1/2 thời gian so với phơi nắng truyền thống.
Nhà sấy không chỉ phù hợp cho các loại nông sản mà còn được sử dụng để sấy thủy hải sản, dược liệu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng,…
Một số mô hình nhà kính phơi sấy nổi tiếng ở nước ta có thể kể đến như:
- Nhà kính phơi sấy hạt mắc ca, cà phê của tập đoàn Trung Nguyên.
- Nhà kính nuôi tôm thâm canh và phơi khô thuỷ hải sản của công ty thuỷ sản Thanh Nhật, Sóc Trăng.
- Các mô hình nhà kính phơi lúa, phơi muối ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.
- Nhà kính phơi gạch và phơi nông sản của HTX Thảo Nguyên, Lâm Đồng.
Riêng về ứng dụng phơi sấy ớt, nhà kính thường có 2 loại:
- Nhà sấy sử dụng năng lượng mặt trời hay còn gọi là nhà sấy năng lượng mặt trời.
- Nhà sấy sử dụng kết hợp cả ánh nắng mặt trời và điện năng.
Nhà sấy ớt năng lượng mặt trời
Là nhà sấy ở dạng cơ bản nhất, ứng dụng hiệu ứng nhà kính để làm khô ớt và không sử dụng thiết bị điện tạo nhiệt.
Cấu tạo chính:
- Buồng sấy: Phòng kín có mái vòm làm bằng những tấm thu nhiệt trong suốt (thường là poly twinlite).
- Quạt thông gió: Lưu thông khí nóng trong buồng sấy, giúp ớt khô đều.
- Quạt hút ẩm: Hút khí ẩm ra bên ngoài, đảm bảo quá trình sấy khô diễn ra liên tục.
- Mái che: Kiểm soát nhiệt độ khi nhiệt độ trong nhà quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng ớt.
- Bộ phận cấp liệu và lấy thành phẩm: Khay phơi ớt, khung kệ để khay,…
Nguyên lý hoạt động:
- Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, nhiệt sẽ được giữ bên trong nhà sấy và ngày càng nóng lên nhờ hiệu ứng nhà kính.
- Nhờ đó nhiệt độ bên trong nhà có thể cao hơn nhiệt độ môi trường 15 – 20°C.
- Quạt thông gió và hút ẩm hoạt động liên tục để lưu thông khí nóng, hút ẩm để kiểm soát nhiệt độ và độ trong nhà sấy giúp ớt khô nhanh và đều.
Nhà sấy ớt kết hợp năng lượng điện & mặt trời
Là loại nhà sấy hoạt động kết hợp giữa điện năng và năng lượng mặt trời. Giúp quá trình sấy diễn ra liên tục và có sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn.
Cấu tạo chính:
- Buồng sấy.
- Quạt thông gió.
- Quạt hút ẩm.
- Khay phơi ớt, khung kệ để khay,…
- Hệ thống gia nhiệt: Để bơm nhiệt, bù nhiệt độ khi trời thiếu nắng hoặc duy trì quá trình sấy vào ban đêm.
- Hệ thống điều khiển: Gồm bảng điều khiển, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm.
Nguyên lý hoạt động:
- Khi đủ nắng nhà sấy hoạt động hoàn toàn dự vào hiệu ứng nhà kính.
- Nếu nhiệt độ trong nhà sấy không đảm bảo, hệ thống điều khiển sẽ tự động khởi động mái che hoặc hệ thống bơm nhiệt, để duy trì nhiệt độ, độ ẩm trong quá trình sấy ớt.
Ưu điểm của nhà kính phơi sấy ớt
Sử dụng nhà kính để phơi sấy ớt đang được áp dụng rộng rãi ở quy mô vừa và nhỏ. Nhờ những ưu điểm vượt trội:
- Tránh được mưa gió, bụi bặm và côn trùng.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho ớt khô.
- Cho năng suất cao nhờ rút ngắn thời gian làm khô ớt.
- Thành phẩm ớt khô chất lượng, tỉ lệ quả ớt hỏng rất thấp.
- Không hoặc tiêu thụ ít điện năng.
- Thi công đơn giản, có thể triển khai ở vùng nông thôn.
- Dễ vận hành không yêu cầu kỹ thuật cao.
- Dễ sửa chữa hoặc thay thế linh kiện trong quá trình sử dụng.
Nhược điểm của nhà kính phơi sấy ớt
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội như Ớt Kiều vừa liệt kê bên trên, việc sử dụng nhà sấy cho quy mô công nghiệp còn nhiều hạn chế.
Một số nhược điểm cần được quan tâm như:
- Phù hợp với nơi thoáng đãng, nhiều ánh nắng.
- Cần không gian, mặt bằng lớn để lắp đặt.
- Lắp cố định nên không có tính linh hoạt.
- Dễ hư hỏng khi gặp gió bão, lũ lụt.
- Không phù hợp với quy mô lớn, hệ thống sản xuất tự động hóa.
- Chi phí đầu tư ban đầu rất cao.
- Phải vệ sinh mái vòm thường xuyên để đảm bảo khả năng thu sáng.
- Độ bền, tuổi thọ phụ thuộc nhiều vào vật liệu cấu tạo.
Chi phí lắp đặt nhà sấy ớt
Theo tìm hiểu của Ớt Kiều, giá phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu, phụ kiện, địa điểm thi công và diện tích nhà sấy:
- Diện tích nhà sấy khác nhau có đơn giá khác nhau.
- Đơn giá khung nhà (hệ khung và tấm vòm) từ 500 ngàn/m2.
- Đơn giá trung bình 8 – 12 triệu/m2 cho toàn bộ hệ thống.
- Nhà sấy bán sẵn diện tích 24 m2, có giá 190 – 250 triệu, với công suất 400 – 500 kg ớt tươi mỗi lượt.
Kết: có nên sấy ớt bằng nhà kính?
Tuy được ứng dụng nhiều cho các mặt hàng nông sản, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, việc sử dụng nhà kính để phơi sấy ớt chưa thực sự phổ biến.
Lý do có lẽ nằm ở những hạn chế được liệt kê bên trên. Ngoài ra, tại các vùng trồng ớt lớn của nước ta, bà con nông dân và các thương buôn ớt khô vẫn giữ cách phơi truyền thống.
Nếu lựa chọn nhà kính cho sản lượng ớt khô không lớn, phục vụ cho nhu cầu sản xuất thực phẩm thì cũng có thể cân nhắc.
Mong rằng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Xem thêm: 5 Điều cần biết về máy sấy ớt.