Ở quê mình, cứ mỗi độ vào chạp…
… cùng với sắc vàng của hoa mai hoa cúc, hương thơm từ các đám cỗ là màu đỏ, là mùi cay nồng tỏa ra từ các ruộng ớt, từ những vựa ớt tấp nập người.
Cũng là lúc các cô, các chị rủ nhau đi “nhặt” ớt. Đi làm công việc mà mọi người hay nói vui là nghề “hot” nhất làng.
Hot không phải vì được ưa chuộng, cũng không phải vì được người ta săn đón. Mà hot vì độ nóng của ớt.
Hãy thử một lần vào vựa ớt nhà mình hay bất kì vựa nào trong vùng, bạn cũng sẽ cảm nhận được điều đó.
Ớt đỏ tươi trải dài, chất thành đống lớn nhỏ khắp sàn, hơi cay nồng, hăng hắc xộc vào mũi.
Ấy thế mà, những đôi tay thoăn thoắt vẫn miệt mài nhặt từng trái ớt hư mềm, dập nát, lựa từng chiếc lá, cọng cỏ.
Không biết từ bao giờ cái mùi cay nồng kia đã ngấm vào từng hơi thở, cái nóng rát kia đã không còn đọng lại trên da.
Ớt nào mà ớt chẳng cay… và có lẽ…
… chính niềm vui khi nhận được đồng lương xứng đáng, khi được trò chuyện vui vẻ với mọi người đã xua tan cái nóng, cái rát.
Xua tan cái mệt nhọc của người thợ nhặt ớt, dù là làm việc lúc nửa đêm hay tờ mờ sáng.
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ mồ hôi nhễ nhại đang ăn vội ổ bánh mì rồi hối hả lao vào công việc.
Hay… hình ảnh một người đàn ông vội vã khâu khâu, xếp xếp những những chiếc giỏ đựng ớt mà không quên nói nói cười cười với vợ.
Cùng làm việc, cùng sống trong không khí ấy bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của sự lao động hăng say, niềm vui của những con người chân chất, …
… niềm vui khi được đủ đầy mỗi độ xuân về.
Và niềm hạnh phúc của những người may mắn khi có cơ hội tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân quê mình.
Xem thêm: Kinh nghiệm trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu đạt năng suất cao.
…..
Cho những bạn chưa rõ: Nhặt ớt hay lựa ớt là khâu phân loại ớt tươi để xuất khẩu hoặc trước khi sấy ớt khô.